Nhắc đến làng Lòi, ai ở Nghệ An cũng biết địa danh ấy. Đơn giản bởi lịch sử của ngôi làng, dù chỉ mới cách đây 30 năm nhưng giống hệt một câu chuyện cổ tích với số phận hẩm hiu của 30 cô gái quá lứa, lỡ thì sau chiến tranh…
Chuyện kể rằng, sau chiến tranh, 30 cô gái trong thôn, vì nhiều lý do khác nhau thành ra quá lứa lỡ thì, đã tập trung ra phía sau làng và lập nên ngôi làng có tên như bây giờ.
Chị Nhan, người khai sinh làng Lòi
Sự tích làng Lòi
Làng Lòi đã trở nên quá nổi tiếng ở Nghệ An, nhưng lịch sử hình thành cũng như làng Lòi bị "biến tướng" thế nào thì chưa hẳn ai cũng rõ! Sau cơn lũ hoành hành xứ Nghệ vào trung tuần tháng 10 vừa qua, tình cờ tôi được đặt chân đến ngôi làng "huyền thoại" này.
Làng Lòi là tên gọi khác của xóm 6, thôn Đội Cung, xã Viên Thành (Yên Thành - Nghệ An). Chuyện kể rằng, sau chiến tranh, 30 cô gái trong thôn, vì nhiều lý do khác nhau thành ra quá lứa lỡ thì, đã tập trung ra phía sau làng và lập nên ngôi làng có tên như bây giờ. Chị Nguyễn Thị Nhan (SN 1955), người được coi là "sáng lập" làng Lòi kể: "Ngày ấy, trở về sau chiến tranh, bị chồng bỏ đi theo người khác, tôi khóc cạn nước mắt. Nhưng nào có xong, lúc ấy, cái thai trong bụng lại cứ to dần, nên tôi quyết định ra cánh đồng hoang phía sau làng, khu đất này là của ông Lòi chết đi không có ai ở. Sau tôi còn có 29 người khác nữa cũng hoàn cảnh tương tự ra đây sinh sống. Chúng tôi dựng những túp lều tạm bợ và quần tụ bên nhau, làng Lòi cũng từ đó mà được người ta biết đến…".
Lúc bấy giờ, làng Lòi là chứng tích cho những mất mát sau chiến tranh. Chiến tranh đi qua, người thì quá lứa lỡ thì, người thì bị chồng ruồng bỏ… Mỗi người một nỗi niềm riêng của phụ nữ, nên đã quyết định "giã từ" gia đình, giã từ những chức vị xã hội đang đảm nhận, ra sau làng sống giữa chốn đồng hoang, nơi có những người cùng cảnh ngộ để hiểu và thông cảm cho nhau về những nỗi khốn khổ riêng của mình.
Đường làng chỉ có phụ nữ
Những đứa con làng Lòi
Làng Lòi đặc biệt, nên những đứa trẻ sinh ra ở mảnh đất này cũng rất đặc biệt. Chị Nguyễn Thị Nhan lấy chồng được ít lâu thì chồng vào làm việc ở tỉnh Lâm Đồng, rồi lấy vợ mới, và ở luôn trong đó. Nén nỗi đau vào trong, chị sinh con trong sự quan tâm, đùm bọc của những chị em cùng cảnh ngộ ở làng Lòi. "Con gái rồi cùng lấy chồng, tôi sợ mình phải cô đơn tuổi già, nên năm 1988, tôi đã "nhờ" một người đàn ông ở gần nhà "giúp" có thêm đứa con. Đứa bé trai ra đời, tôi mãn nguyện lắm. Tất nhiên, chỉ một lần duy nhất mà thôi, tôi một mình nuôi con mà không yêu cầu bất cứ ai chia sẻ gánh nặng…".
Không riêng chị Nhan mà gần như tất cả các chị em làng Lòi lúc bấy giờ, đều nghĩ cho phận già sau này của mình, nên cố kiếm một đứa con. Tất nhiên, điều này đi ngược với định kiến xã hội, nhưng các chị đành phải liều. Bởi sinh con là thiên chức của người phụ nữ. Hơn nữa, không có chồng thì ít ra họ cũng muốn có một đứa con để sớm tối có người chung vai, kề má. Những đứa con làng Lòi đều sinh ra trong hoàn cảnh đó, và tất nhiên đều có một điểm chung là thiếu bóng người cha khi chào đời…
Có thể bởi thiếu hụt tình cảm, mà những đứa trẻ này lớn lên, theo như lời kể của những người trong cuộc đều gặp nhiều bất hạnh. Chị Nhan bảo rằng, chạy mãi mới lo cho đứa con trai đi xuất khẩu lao động, nhưng sang làm việc ở Tây Á, chị cũng không biết được con mình sống chết thế nào, bởi thông tin lúc có lúc không, khiến chị ngày đêm thấp thỏm. Nhưng chị Nhan còn may, bởi có đứa con gái lấy chồng trong làng nên thỉnh thoảng còn sang tâm sự với chị. Hoàn cảnh của chị Hương còn đáng thương hơn nhiều. Chị bị tật nằm một chỗ, mọi việc trong gia đình do đứa con trai sinh năm 1987 tên là Hồng lo liệu hết. Nhưng bởi làm việc quá sức, năm 2004, Hồng bị chết khi đi bắt cua trên cánh đồng làng, nguyên nhân là do say nắng. Chị Hương hiện đang sống trong 2 gian nhà tình nghĩa do xã Vĩnh Thành làm cho, nhưng mọi việc sinh hoạt đều phải nhờ đến bà con chòm xóm…
Hoàn cảnh của chị Xuân cũng thật đáng thương. Chị có 3 người con thì một người chết vì bệnh ung thư, người nữa thì tàn tật. Hay như chị Tâm, có một đứa bỗng dưng mất tích. Theo tìm hiểu của phóng viên, thì gần như chẳng đứa trẻ nào ở làng Lòi được học hành đến nơi đến chốn. Lớn lên, đa phần phải bỏ học vì hoàn cảnh éo le của gia đình. Gần đây, làng có phong trào đi xuất khẩu lao động, chị em làng Lòi cũng phấn đấu cho con mình "xuất ngoại" để mong đổi đời. Ngoài chị Nhan, còn có chị Hữu, chị Bình, chị Khang… cũng có con đi xuất khẩu lao động, nhưng mộng đổi đời vẫn còn đang ở "thì tương lai”.
Nỗi lòng người trong cuộc
Nghe sự tích làng Lòi, nhiều người không khỏi rưng rưng, đó cũng chính là lý do mà nhiều vị lãnh đạo của Nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã đến với làng Lòi để bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ. Năm 2000, đồng chí Hà Thị Khiết, lúc bấy giờ là Chủ tịch Hội LHPNVN đã về làng Lòi và tặng tủ sách cho các chị em. Cũng từ đó, nhiều món quà đã đến với chị em làng Lòi, giúp họ tự tin hơn vào cuộc sống vốn cô đơn của mình.
Chị Nguyễn Thị Lưu cho biết: "Đoàn nào về cũng chỉ trao quà cho 30 chị em có công khai sinh làng Lòi, nên ngay cả chính quyền họ cũng không thích chuyện đó. Rồi chuyện gì đến sẽ phải đến. Năm 2008, một doanh nghiệp về thăm làng Lòi và tặng cho chị em 100 triệu, nhưng sau đó tuyệt nhiên, chị em làng Lòi không được nhận một xu. Khiếu nại nhiều cũng bằng thừa, xã đem phát đi đâu không ai hay…".
Về làng Lòi, nghe người ta bảo rằng, toàn xã hiện có 150 gia đình là phụ nữ đơn chiếc, tất nhiên làng Lòi chiếm nhiều nhất với 24 hộ. Con số ấy khiến không ít người sững sờ. Khi xưa, chị em làng Lòi ra khai hoang, và mong muốn tìm ai đó "xin" một đứa con để bớt cô đơn lúc tuổi già. Nhưng bởi con số phụ nữ không chồng ở Viên Thành tăng vọt, nên chị em làng Lòi lại bị mang tội là đã tạo tiền lệ cho một thói hư…
Có vẻ như, chính quyền và người dân xã Viên Thành đang muốn xóa đi làng Lòi, bởi khi trao đổi với phóng viên, chính chủ tịch UBND xã cũng tỏ ra không thực sự thoải mái khi chúng tôi nói về ngôi làng này. Cũng tiếc, vì câu chuyện "huyền thoại" về chị em làng Lòi đang dần mai một dần vì những quyền lợi vật chất bon chen, nhỏ nhoi... Nỗi buồn còn lại vẫn là của chị em làng Lòi ngày ấy, những người đã phải chịu quá nhiều buồn đau trong cuộc sống hôm qua và hôm nay.