'Lão mù' trên đất Nghệ hát xẩm nuôi cả gia đìnhGiữa cảnh hoang tàn sau lũ, dòng người tất bật ngược xuôi thì riêng góc chợ, người “nghệ sỹ” ấy với cây đàn nhị, đội gió rét vẫn kéo những tiếng đàn, giọng hát xẩm thê lương rung động lòng người.Khi trót danh mang kiếp cầm ca…Trong cái se lạnh chớm đông, tôi bắt gặp hình ảnh tại góc cổng chợ Thành phố Hà Tĩnh, một lão mù, ăn mặc tả tơi, tay cầm đàn nhị tự tạo, kéo đi kéo lại. Miệng không ngớt cất lên điệu xẩm buồn thê lương:
“Khi phụ tử tình thâm, lúc công thầy nghịa (nghĩa) mẹ. Đừng tiếng tăm nặng lờ. Đừng cả tiếng dài hơi. Nói mẹ cha sao nên. Cại (cãi) mẹ thầy sao phải. Đêm nằm nghị (nghĩ) lại. Nhớ đến cội công uyên. Công cù lao ai đền. Nghịa (nghĩa) sinh thành ngày trước….”.Người đi qua, kẻ đứng lại cứ đẫn đờ, thơ thẩn nghe lão Xuyên hát mà như được trở về niềm tâm tưởng, đức ba sinh, nghĩa dưỡng dục của đấng sinh thành. Còn lão cứ nghiêng tai tỏ ý cảm ơn những ai rộng lòng trắc ẩn cho lão đồng rau, đồng cháo sống qua ngày, đoạn tháng.
Chợ vắng, lão lại lọ mọ chống gậy dò dẫm về lại ngôi lều hoang vắng cạnh bãi tha ma lo cơm nước cho con (vợ lão mang trọng bệnh đã bỏ lão và đàn con về nơi chín suối cách đây hơn 2 năm).
Người “nghệ sỹ” ấy có tên đầy đủ là Dương Đình Xuyên quê ở xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), là người được mệnh danh “nghệ sỹ " hát xẩm cuối cùng trên đất Nghệ.
Sinh năm Tân sửu (1961) nhưng trông anh Xuyên già như ông cụ sáu mươi, cũng vì thế mọi người thường gọi “lão” Xuyên mỗi khi gặp mặt.
Lão quê tận Thạch Đồng, Thạch Hà, khi 4 tuổi dời nhà lên vùng đồi Bắc Sơn lánh bom Mỹ. Năm lên 7, ông trời cướp đi đôi mắt sáng ngời của "lão". Cũng từ đó lão lớn lên với mùi khét lẹt của khói bom và những khúc đồng dao, ví dặm.
|
Người "nghệ sỹ" mù đã gắn chặt cuộc đời mình với kiếp cầm ca. Và trong những lời hát thê lương ấy đã khắc hoạ một phần cuộc sống bần hàn của lão. |
Tuy không còn đôi mắt nhưng lão còn đôi tay “duyên dáng cần lao” và một kho dân ca đầy ắp những nỗi niềm… Rồi lão bắt đầu học nhị, học đàn. Để được hát cho vơi bớt những thiệt thòi của cuộc đời mình.
Sau hơn mười mấy năm phiêu bạt, lưu lạc nơi đất khách, quê người, lão về làng dựng lều cạnh bãi tha ma để tiếp tục sống, mặc người làng cứ nghĩ lão đã thành người thiên cổ.
Cũng từ đấy, tiếng hát của lão lại vang lên khắp các chợ phiên trong tỉnh. Nay đây mai đó, đến phiên họp chợ là lão lại dò dẫm tìm đến trải nón ngồi bên cổng và hát.
Mỗi khi lão cất lời ca, tình người, tình đời hằn sâu, nguyên vẹn trong tâm thức của khách tha phương như mới trong ngày hôm qua.
Tiếng xẩm của lão khiến nhiều người mê mẩn, bởi vì giọng hát đặc biệt về âm điệu nỉ non trầm bể. Nghe như mưa thảm, gió sầu, dằn vặt đớn đau…
Tiếng hát ấy của lão vang danh khắp vùng, và đầu những năm 90 (khi băng nhạc còn thịnh) nhiều kẻ dân buôn băng nhạc mời lão thâu rồi đem bán khắp trong nam ngoài bắc, để mỗi khi ai đó qua đời, cái không thể thiếu được của gia đình tang chủ đó là tìm cho được cái băng thâu bài hát xẩm của lão để mở lời ai oán…
Không biết những ca từ lão chế, cóp nhặt trên bước đường phiêu bạt thêm vào bài xẩm “Phụ tử tình thâm” khiến cho người qua đường rơm rớm ngấn lệ: “
Hai hàng nước mắt trào tuôn. Thương là thương. Con lắng tai nghe cha dặn mấy lời… Nuôi con từ thủa còn thơ. Giờ phút trăm năm cha cũng đã gần kết thúc. Chị em, anh em con cháu nội ngoại xa gần. Hết lòng đoàn tụ. Bày vẹ (vẽ) cho nhau làm ăn sinh sống. Cha khuyên con dự (giữ) cho trọn trự (chữ) hiếu thành... Ôi thôi, con cháu ở lại. Cha khuyên con đạo làm người. Dự (giữ) trọn trự (chữ) trung trự (chữ) hiếu. Sống trần gian nhưng lúc địa trần gian thì gọi bằng quán trọ. Hữu thật tâm thì âm gian mới gọi là nhà…”.
Rồi mai ai khóc cho mình?Những tưởng, cuộc đời lão cứ thế cô độc trôi đi buồn bã như bài xẩm mà lão từng hát. Nhưng...
Cuối năm 1999, người làng ngỡ ngàng thấy lão… có vợ. Vợ lão người tận huyện Can Lộc, Hà Tĩnh mắt sáng, cha mẹ mất sớm. Do cuộc sống đói khổ nên lần vào Nam kiếm sống, nhưng không bao lâu lại mang theo hai đứa con trở về quê hương.
|
Chỉ cách TP Hà Tĩnh vài cây số nhưng những đứa con "lão Xuyên" phải học dưới ánh đèn dầu leo lét. |
Gặp nhau giữa buổi chợ chiều thế là đưa nhau về nhà sinh sống. Cũng tưởng lấy được người vợ sáng mắt, tấm thân mù loà của lão sẽ có chỗ nương tựa nhưng ai ngờ, ít năm sau người vợ đổ trọng bệnh suy thận, viêm gan, đường ruột… Gia đình 6 miệng ăn, vì thế đứa cả 14 tuổi đã bỏ học đi làm thuê, đứa thứ 12 tuổi cũng bỏ học, èo oặt cùng hai em một lên 6, còn một đứa mới lên 4 tuổi sống chung với lão trong ngôi lều rách nát, ẩm mốc.
Vài năm trở lại đây, lão phải lê thân nhiều hơn ở khắp các ngõ chợ, cất tiếng thê lương cho người đời và cho chính cuộc đời lão, để rồi ngả nón cho kẻ chợ vứt vào dăm đồng tiền lẻ về vợ ốm, con thơ. Tài sản của gia đình lão không có gì đáng giá ngoài chiếc giường bằng cũ kỹ do người vợ quá cố để lại.
Giờ đây, tất thảy cơm áo, đều trông chờ vào tiếng hát của lão Xuyên và lòng hảo tâm của khách bộ hành qua đường.
Nhưng đời cầm ca rồi cũng đến lúc chồn chân, mỏi gối. Không biết cuộc đời của lão và gia đình giờ sẽ ra sao? Rồi ai sẽ hát tiễn một kiếp cầm ca?