Đến lúc đó, các điều tra viên quyết định “đánh bài ngửa” với Dụng bằng cách đưa ra tờ huyết thư mà chị Chi để lại trước lúc ngất đi. Dụng nhìn tờ giấy, mặt biến sắc.
>>Tìm thấy hung khí vụ thảm sát tại Phú Thọ
>>Kẻ giết 4 người ở Phú Thọ thừa nhận do mâu thuẫn tình ái
Phóng viên đã được các đồng chí Công an tỉnh Phú Thọ ưu ái cho tiếp xúc trực tiếp với tên tội phạm giết người không chớp mắt này. Một giờ ngắn ngủi đối diện với tên tội phạm, nhiều uẩn khúc của vụ án đã được sáng tỏ.
4 ngày sau khi bị bắt, kẻ sát nhân Nguyễn Công Dụng (tức Công) ở khu 10 xã Bình Bộ, huyện Phù Ninh (Phú Thọ) đã bình tâm trở lại. Những lời tường trình về nguyên nhân của việc ra tay sát hại 4 mạng người ngày 23/6 của Dụng cũng rõ ràng hơn và những điều Dụng nói khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, đau xót…
Không nóng hầm hập như những ngày xảy ra vụ án mạng kinh hoàng, hôm nay, thời tiết Việt Trì mát lành hơn, bởi những cơn giông bất chợt, những trận mưa xối xả. Được đối diện với tên tội phạm gây bàng hoàng dư luận, lòng tôi mang nhiều cảm xúc khó tả. Khu tạm giam cách trụ sở Công an tỉnh hơn 1km, vừa được đưa vào sử dụng, thì đã “đón tiếp” tên sát nhân máu lạnh.
Tôi thang thang bên những luống rau do các đồng chí công an trồng để cải thiện, chờ các đồng chí công an gọi vào làm thủ tục cần thiết trước khi gặp can phạm.
Làm xong các thủ tục để tiếp xúc với can phạm, đích thân Thượng tá Thạch Văn Thắng – Phó Giám thị Trại tạm giam cùng Trung tá Đào Diệu Sơn – Đội trưởng Đội trọng án Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an tỉnh Phú Thọ, đưa chúng tôi vào gặp Dụng.
4 ngày sau khi bị bắt, Dụng thay đổi khá nhiều, râu ria lởm chởm, đôi mắt trũng xuống, có lẽ do mất ngủ. Dụng mặc chiếc áo màu vàng, khẽ lách mình qua cánh cửa mở nhỏ để bước ra ngoài phòng giam.
Trái với vẻ bất cần, bất hợp tác trong đêm 24/6, khi vừa được di lý từ tỉnh Vĩnh Phúc về Công an tỉnh Phú Thọ, lần này, Dụng trông hiền lành hơn. Gặp tôi, hắn khẽ cúi mình chào. Tôi hỏi: "Mấy hôm rồi có ngủ được không?", Dụng ngập ngừng bảo: “Ngủ chập chờn lắm Ban ạ… nhớ con và ân hận lắm…”. (Ban là cách xưng hô của tù nhân với cán bộ). Nói rồi Dụng cúi xuống, vẻ mặt đượm buồn.
Cái danh từ “kẻ sát nhân man rợ” trong lúc này, quả thực không có chút nào hợp với Dụng. Để Dụng ngồi lên chiếc ghế đá dài dành cho can phạm, tôi đưa cho gã cốc nước. Dụng đưa hai tay cầm lấy, vừa uống vừa khẽ nhìn tôi, vẻ ngài ngại.
Ít ai có thể ngờ, cái con người đang sợ sệt ngồi trước mặt tôi ấy lại có thể ra tay liền một lúc để cướp đi mạng sống của con 4 con người, trong đó có cả người mà hắn yêu thương, “thề non hẹn bể”. Trung tá Sơn – người trực tiếp đi bắt Dụng bảo: “Có lẽ trong lúc đó, trong Dụng chỉ còn phần “con”, những ghen tuông, ức chế đã giết chết phần “người” trong con người gã”.
Còn nhớ đêm 24/6, khi vừa được đưa về Công an tỉnh Phú Thọ, tôi cũng có cơ hội đối diện trực tiếp với Dụng. Hắn lặng thinh không nói nửa lời về nguyên nhân của sự việc. Hắn nói vừa như thách thức vừa như buông xuôi: “Tôi giết một lúc 4 mạng người, đáng bị bắn đến 4 lần… Các anh bắn tôi sớm ngày nào vợ con tôi đỡ khổ ngày ấy”.
Thái độ của Dụng khiến các điều tra viên tham gia vào vụ án không khỏi băn khoăn. Có thể đó là cách để Dụng đối phó với việc đấu tranh của cơ quan điều tra, cũng có thể do Dụng hoang mang, tiêu cực sau khi đã hình dung hết hình phạt mà y phải chịu với hành vi tàn bạo mà hắn đã gây ra.
Trước những nhận định đó, các điều tra viên nghiêng về khả năng thứ 2, và đã mềm dẻo để đấu tranh với Dụng. Không trực tiếp hỏi về vụ án, các anh tâm sự về chuyện gia đình, về vợ con: “Chúng tôi cũng như anh, cũng có vợ, có con… Mình là đàn ông, dám làm dám chịu, sao nỡ để vợ con phải khổ…”. Những lời tâm sự đó đánh trúng điểm yếu của kẻ tội đồ. 3 giờ sáng, Dụng xin được hợp tác với cán bộ điều tra, xin được khai tất cả.
Dụng xin cốc nước, uống xong thì khai nhỏ giọt. “Việc giết anh Chính là do chủ ý của Chi. Chi bảo tôi phải giết Chính thì mới về ở với nhau được. Sau đó Chi bàn với tôi và chuẩn bị sẵn dao. Khi tôi đến, Chi dùng dao cắt cổ anh Chính…” – hắn khai rành rọt như vậy.
Những lời Dụng khai như một sự thách thức với các điều tra viên của đội trọng án. “Nếu chị Chi chủ định giết chồng, thì ai gây ra thương tích cho chị Chi?” – một điều tra viên đặt câu hỏi. Dụng đáp: “Lúc Chi lấy dao siết cổ anh Chính, tôi lao vào giằng lấy dao, trong lúc đó thì chẳng may con dao đâm vào Chi. Thấy Chi chảy máu, tôi hoảng sợ nên bỏ chạy…”.
“Như anh nói thì chẳng lẽ chị Chi tự đâm vào chân mình?”. Trước câu hỏi đó của cán bộ điều tra, Dụng cúi đầu không nói. Đến lúc đó, các điều tra viên quyết định “đánh bài ngửa” với Dụng bằng cách đưa ra tờ huyết thư mà chị Chi để lại trước lúc ngất đi. Dụng nhìn tờ giấy, mặt biến sắc. Trên tờ giấy đầm đìa máu là mấy dòng chữ nguệch ngoạch:
"Công đâm tôi và chồng tôi.
Người làm chứng: Chi.
Hán Thị Chi".